Công đoàn cơ sở được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước:
1. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở
* Tổ chức cơ sở của công đoàn bao gồm:
- Công đoàn cơ sở được thành lập ở các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Nhà nước; các cơ quan của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp, có 5 đoàn viên trở lên và được công đoàn cấp trên quyết định thành lập.
- Nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của công đoàn, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động có 10 đoàn viên trở lên và được công đoàn cấp trên quyết định thành lập.
* Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn được tổ chức theo 4 loại hình:
- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn không có tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn.
- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn.
- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận
- Công đoàn cơ sở có Công đoàn cơ sở thành viên.
2. Quy trình thành lập Công đoàn cơ sở
Bước 1. Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở(sau đây gọi tắt là Ban vận động):
+ Điều kiện thành lập Ban vận động: Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
+ Người lao động (có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam) tự tập hợp, thống nhất bầu Trưởng ban vận động.
+ Ban vận động có trách nhiệm: tổ chức vận động thành lập Công đoàn cơ sở; vận động người lao động tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam; đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.
Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở:
- Nội dung hội nghị gồm:
+ Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập Công đoàn cơ sở;
+ Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn (hoặc danh sách những người đã là đoàn viên công đoàn hiện đang công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp);
+ Tuyên bố thành lập Công đoàn cơ sở;
+ Bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;
+ Thông qua chương trình hoạt động của Công đoàn cơ sở.
- Đối với việc bầu cử Ban chấp hành tại hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá 1/2 so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử phải có chữ ký của trưởng ban vận động ở góc trái, phía trên phiếu bầu.
Bước 3: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (Liên đoàn lao động cấp huyện, Công đoàn ngành) ra quyết định công nhận:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quá trình thành lập Công đoàn cơ sở.
- Trường hợp đủ điều kiện thì ra các quyết định: công nhận đoàn viên, công nhận Công đoàn cơ sở, công nhận Ban chấp hành.
- Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì thông báo bằng văn bản tới Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.
* Hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở:
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi kết thúc hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở sở gửi hồ sơ, đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quyết định công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, hồ sơ gồm:
+ Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;
+ Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động;
+ Biên bản hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở;
+ Biên bản kiểm phiếu bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.
Chia sẻ:
CÔNG TY LUẬT GIA MINH
Địa chỉ: Số 269 Văn Cao, phường Đằng Lâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Email: giaminhlaw@gmail.com
Hotline: 0913373746
Tổng đài tư vấn 24/7: 02253615956 Fax: 02253615956
© Copyright CÔNG TY LUẬT GIA MINH, 2016
Thiết kế bởi: Hpsoft.vn